Theo PGS.TS Lê Văn Đoàn, các phương pháp chỉnh chân vòng kiềng gồm có điều chỉnh dinh dưỡng, tập thể thao, vật lý trị liệu và phẫu thuật chỉnh hình.
Chân vòng kiềng là tình trạng chân bị cong, đầu gối hướng ra ngoài, khiến khi đứng thẳng hai mắt cá sát nhau thì hai gối cách xa nhau. Chân vòng kiềng thường đến từ nguyên nhân như di truyền, suy dinh dưỡng, thừa cân, hoặc gặp ở một số bệnh lý về xương khớp.
Cha mẹ bị chân vòng kiềng có khả năng cao con sinh ra bị mắc dị tật này. Trẻ bị thiếu hụt canxi và vitamin D kéo dài cũng là một lý do gây ra chân vòng kiềng, trẻ thừa cân mà cho đi quá sớm sẽ dễ bị chân vòng kiềng. Ngoài ra, bệnh còi xương, hoặc khi bị chấn thương tổn thương sụn phát triển, hoặc gãy xương di lệch gần khớp gối, bệnh tạo xương bất toàn… cũng là những nguyên nhân gây chân vòng kiềng.
Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật, chỉnh hình, PGS.TS Lê Văn Đoàn đã chỉ ra một số giải pháp có thể hỗ trợ người bị chân vòng kiềng cải thiện dị tật này.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chân vòng kiềng là thiếu hụt dinh dưỡng. Do đó, điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung các chất phù hợp là giải pháp tích cực để cải thiện tình trạng này.
Trong chế độ ăn hàng ngày, chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người bị chân vòng kiềng nên tăng cường protein, vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi, vitamin D3, MK7,… Đây là những chất giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ canxi, hỗ trợ xương chắc khỏe, dẻo dai cũng như điều trị và phòng ngừa bệnh còi xương, suy dinh dưỡng.
Một số thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất tốt cho xương nên có trong thực đơn là tôm, cua, trứng, sữa, cá…
Luyện tập thể thao
Để cải thiện chân vòng kiềng, trẻ cần được khuyến khích vận động, tập thể dục thể thao thường xuyên. Một số bài tập đơn giản, dễ áp dụng tại nhà như tập nhón chân, squat, tập căng cơ mông, tập kẹp ống lăn massage…
Việc kết hợp các bài tập này thường xuyên sẽ giúp chân khỏe, giảm tình trạng đau khớp gối, làm săn chắc cơ, nắn chỉnh đầu gối hướng vào bên trong, tăng khả năng đàn hồi cho cấu trúc dây chằng, gân…
Vật lý trị liệu
Trẻ bị chân vòng kiềng nên được đưa đến các cơ sở y tế có chuyên khoa vật lý trị liệu để nắn chỉnh chân. Tùy từng mức độ vòng kiềng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ vật lý trị liệu gồm các bài tập với các động tác từ đơn giản đến phức tạp để nắn chỉnh.
Các bài tập sẽ được thực hiện dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ có chuyên môn, các kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Một số bài tập vật lý trị liệu cơ bản có thể tham khảo là đeo đai chân, đẩy máy tạ chân…
Phẫu thuật nắn chỉnh chân vòng kiềng
Khi áp dụng các biện pháp như trên mà không cải thiện, đồng thời, sau 19-20 tuổi, khi xương khớp đã phát triển ổn định thì phẫu thuật nắn chỉnh là giải pháp hiệu quả. Việc phẫu thuật sẽ điều chỉnh trục chân được thẳng, đẹp, cải thiện vóc dáng. Bên cạnh đó, giải pháp này giúp chỉnh trọng lực dồn đúng trọng tâm vào khớp, dự phòng di chứng thoái hóa khớp gối và cổ chân sau này.
Theo bác sĩ Đoàn, một ca phẫu thuật nắn chỉnh chân vòng kiềng thường mất khoảng 2 tiếng. Bác sĩ mổ cắt xương ở ví xương cong nhất, thường là dưới gối, sau đó chỉnh thẳng. Chân sẽ dài thêm 1-2 cm, tùy theo mức độ nặng hay nhẹ. Phần xương hở sẽ được ghép xương tự thân hoặc đồng loại. Xương được cố định vững chắc bởi nẹp vít khóa.
Sau mổ 5 ngày bệnh nhân đã có thể đứng lên và tập đi lại được. Sau 3-4 tuần, bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng. Sau 2-3 tháng, bệnh nhân có thể hoạt động, tập thể dục như cũ.
PGS.TS Lê Văn Đoàn từng thực hiện thành công hàng trăm ca phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng chân và tay, trong đó có nhiều ca chân vòng kiềng nặng. Đây là phẫu thuật không quá khó nhưng đòi hỏi cần phải thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa sâu về chỉnh hình, để tránh các biến chứng.
Đồng thời, phẫu thuật này cần được thực hiện tại bệnh viện có trang thiết bị y tế hiện đại, cùng đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề chuyên sâu, chăm sóc tận tâm thì mới an toàn và đạt được kết quả tốt.