Quy trình Kéo dài chân

Trước mổ

Trước khi quyết định mổ, bác sĩ cần thăm khám lâm sàng bệnh nhân để tìm hiểu kỹ về tiền sử bệnh, bao gồm sinh sản, sự phát triển về thể chất, tầm vóc trong thời kỳ thiếu niên, thời điểm dậy thì, tiền sử về hormone, tình trạng ốm đau lúc nhỏ, bệnh di truyền… Bên cạnh đó, đánh giá tình trạng tâm lý, nguyện vọng, mong muốn của bệnh nhân. Sau đó, bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chuyên sâu để loại trừ các bệnh lý của xương và các bệnh lý toàn thân khác có chống chỉ định kéo dài chi. Bệnh nhân cũng được bác sĩ tư vấn, giải thích rõ quy trình phẫu thuật, thời gian nằm viện, quá trình điều trị trong và sau khi ra viện, thời gian điều trị, dự kiến những tai biến, biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân cần hiểu rõ và sẵn sàng, kể cả quá trình tập luyện, phục hồi chức năng sau mổ.

 

Trong mổ

Tất cả ca mổ đều được đặt dây giảm đau ngoài màng cứng, để đảm bảo ít nhất trong 03 ngày đầu sau mổ không đau. Bệnh nhân được chọn lựa: gây mê nội khí quản, hoặc tê tủy sống + tiền mê. Thời gian mổ thông thường là 02 giờ.

Sau mổ

 Trong thời gian nằm điều trị nội trú

– Về thuốc:

      + Kháng sinh: Bệnh nhân được dùng kháng sinh dự phòng, do vậy, sẽ có 01 mũi kháng sinh tiêm trước khi bắt đầu mổ 30 phút, sau đó tiếp tục dùng kháng sinh tiêm trong 24 giờ sau mổ. Từ ngày thứ 2, chuyển sang kháng sinh đường để uống trong vòng 5 ngày.

      + Thuốc giảm đau: Thực hiện giảm đau đa mô thức. Trước khi gây tê tủy sống, bệnh nhân được bác sĩ gây mê đặt 01 đường truyền dẫn thuốc giảm đau ngoài màng cứng, để truyền thuốc giảm đau liên tục trong 03 ngày đầu sau mổ. Sau 03 ngày, rút bỏ dây truyền giảm đau và chuyển sang thuốc giảm đau dạng uống, sẽ phối hợp 2 – 3 loại thuốc giảm đau, liều uống sẽ giảm dần cho tới khi ra viện.

      + Thuốc chống phù nề, tiêu máu tụ: Sẽ dùng dưới dạng uống, hoặc ngậm dưới lưỡi, trong 05 – 07 ngày.

      + Thuốc chống thuyên tắc tĩnh mạch: ngày 01 viên, dùng liên tục đến khi ra viện.

      – Điều dưỡng sẽ thay băng vết mổ ngày đầu sau mổ, sau đó thay cách ngày, quấn gạc vô khuẩn bảo vệ chân đinh.

      – Chườm lạnh, gác cao chân mổ: Chườm lạnh có tác dụng co mạch nên giảm sưng, giảm phù nề, giảm đau; gác cao chân nhằm giảm phù nề nên cũng có tác dụng giảm đau rất hiệu quả, thời gian chườm lạnh và gác cao chân là 03 – 05 ngày. Trong thời gian này, để máu được lưu thông, tránh tắc mạch, nên tập vận động thụ động hoặc chủ động nhẹ nhàng khớp gối và khớp cổ chân; luôn đeo giá kéo bàn chân vuông góc khi nghỉ ngơi và khi ngủ để chống biến chứng co ngắn gân gót sau này.

      – Sau mổ 5 ngày, khi đã hết đau và hết phù nề, nên tập vận động chủ động tích cực hơn, đặc biệt là các khớp ở chi dưới, tập căng giãn gân gót. Khi đi ngủ, chú ý luôn giữ cho gối duỗi thẳng, không được nằm ngủ ở tư thế gập gối.

      – Sau mổ 7 ngày, bác sĩ sẽ tiến hành căng giãn khung và hướng dẫn cho bệnh nhân tự vận hành khung cố định ngoài để căng giãn ổ cắt xương với tốc độ 1mm/ngày, chia đều cho 3 lần (cọc trên khung kéo giãn đã chia sẵn làm 06 mặt, mỗi lần vặn 01 mặt vào các mốc thời gian cách nhau 8 giờ/lần là 6h sáng, 2h chiều và 10h đêm), vặn theo chiều kim đồng hồ, từ trái sang phải, theo hướng từ trên nhìn xuống.

      – Sau mổ 10 ngày, cắt chỉ vết mổ, chụp X-quang cẳng chân kiểm tra, nếu ổ cắt xương đã được căng giãn tốt thì cho ra viện, điều trị ngoại trú.

Điều trị ngoại trú

      – Thay băng chân đinh, lau sạch các vảy đóng khô quanh chân đinh bằng nước muối sinh lý, sau đó sát trùng bằng cồn trắng 70 độ hoặc Betadine, quấn gạc vô trùng, mỗi ngày/lần. Nếu chân đinh viêm tấy đỏ hoặc chảy dịch thì chụp ảnh và thông báo cho bác sĩ để quyết định xem có nên dùng kháng sinh hay chưa.

      – Bệnh nhân tự căng giãn đúng theo hướng dẫn. Chú ý, quá trình kéo dãn mà không thấy đau thì cũng không được vặn nhiều hơn 03 lần/ ngày để đảm bảo cho quá trình tái sinh của xương và các tổ chức gân cơ, mạch máu, thần kinh được tốt. Nếu trong quá trình căng giãn xuất hiện đau nhiều thì tốc độ giãn có thể điều chỉnh chậm lại, 02 lần/ngày, mỗi lần 01 mặt vào 6 -7h sáng và 6-7h tối. Tuyệt đối không vì để nhanh được tháo khung mà vặn quá tốc độ 03 mặt/lần, vì như thế làm cho xương tại ổ kéo giãn không kịp phát triển, dẫn tới can xương phát triển kém, thậm chí, có thể không liền được xương.

      – Tập phục hồi chức năng ngay trong quá trình kéo giãn: Chú trọng vào động tác tập duỗi gối, tập tăng trương lực cơ tứ đầu đùi và tập gấp mu bàn chân vào cẳng chân để giãn gân gót, tập xoay khớp cổ chân. Nên tập tì nén một phần trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc đi bằng hai nạng, hoặc trong khung tập đi ngày 3-4 lần, mỗi lần 10 -15 phút. Chú ý, khi đứng hoặc đi thì trọng lượng cơ thể phải dồn đều lên 02 chân, hết sức tránh dồn cả trọng lượng cơ thể lên 01 chân.

      – Trong suốt quá trình điều trị ngoại trú, định kỳ 4 tuần/lần đến bệnh viện chụp X-quang và bác sĩ sẽ khám lâm sàng, kiểm tra lại xem các ốc chốt giữ đinh có bị lỏng, đinh có bị cong, khung có bị xô lệch đi không; đánh giá diễn biến ổ kéo giãn có đúng tốc độ kéo hay không và tiến triển liền xương của ổ kéo giãn để quyết định điều chỉnh tốc độ kéo, hoặc dừng kéo giãn, hoặc hẹn ngày tháo khung.

Khi căng giãn đủ chiều dài mong muốn, trong trường hợp 02 chân chưa giãn bằng nhau, bên nào đủ chiều dài thì dừng trước, bên chưa đủ tiếp tục kéo giãn cho bằng bên còn lại.

Khi 02 chân đã bằng nhau, được nhập viện, nhịn ăn, làm toàn bộ các xét nghiệm (như khi nhập viện lần đầu), để làm tiểu phẫu bắt 02 vít chốt ngoại vi của đinh nội tủy, dưới hướng dẫn của C-arm và tháo khung cố định ngoài. Thời gian nằm viện lần 2 là 02 ngày.

Điều trị và tập luyện sau tháo khung

Ngày 1: Bệnh nhân được truyền dịch, giảm đau, tiêm kháng sinh và uống thuốc giảm đau, gác cao chân.

Ngày thứ 2: Thay băng kỳ đầu, gác cao chân, chụp phim kiểm tra sau tháo khung. Trong ngày nằm viện nên chủ động tập co gập gối và xoay khớp cổ chân để lưu thông máu và tránh co rút cơ.

Khi ra viện về nhà: Tập luyện phục hồi chức năng chủ động và thụ động cho duỗi gối, tập kéo giãn gân gót và mềm khớp cổ chân (tự tập hoặc người nhà tập cho).

Ngày thứ 5: Tập đứng dồn lực đều một phần trọng lượng lên 02 chân, để cho gối duỗi thẳng và gân gót được dãn dần ra.

Từ ngày thứ 7 trở đi đến đủ 2 tháng: Khi các chân đinh đã khô, đồng thời với tập phục hồi chức năng (giai đoạn này tốt nhất có kỹ thuật viên phục hồi chức năng tập, hoặc tập luyện ở trung tâm phục hồi chức năng), ép cho giãn gân gót và xoay ngoài, xoay trong khớp cổ chân, tập duỗi gối, tập cho cơ tứ đầu đùi khỏe. Khi tập đi, bắt đầu tập đi lại dưới sự trợ giúp của khung tập đi. Sau 2 tuần, cắt 02 mũi chỉ khâu chỗ bắt vít chốt. Chú ý, giai đoạn này chưa thể dùng nạng nách hoặc nạng tay được vì khi đi, nạng lực sẽ dồn lệch trọng lượng cơ thể sang 01 chân, không đảm bảo an toàn. Quá trình tập đi sẽ tỳ nén tăng dần, có thể kết hợp tập đạp xe trong nhà, để tăng cường sức mạnh của cơ tứ đầu đùi.

Sau 2 tháng: Đến chụp phim kiểm tra lại, bác sĩ sẽ đánh giá tiến triển can xương. Tùy cơ địa và mức độ phát triển của can xương mà bác sĩ quyết định chuyển sang dùng nạng nách hay nạng tay thêm bao lâu nữa. Nếu can phát triển tốt sẽ chuyển sang dùng nạng nách và cho tỳ nén được hoàn toàn lên chân. Giai đoạn này nên tập các môn thể dục nhẹ nhàng, đạp xe trong nhà, tập bơi, lội dưới nước.

Sau 4 tháng: Đến bệnh viện để chụp phim kiểm tra, bác sĩ sẽ làm tiểu phẫu gây tê tại chỗ, tháo bỏ vít cố định khớp chày mác dưới (bệnh nhân không cần phải nằm viện) và đánh giá mức độ can xương. Nếu can xương tốt, gân gót hết căng, có thể bỏ nạng và tập đi, hoặc đi với sự hỗ trợ của nạng tay. Giai đoạn này khuyến khích tập yoga, đi bộ nhiều, ngày 2 – 3 km.

Từ tháng thứ 6 trở đi: Bệnh nhân có thể chụp phim gửi bác sĩ xem đánh giá và hướng dẫn qua điện thoại. Thông thường, 6 tháng sau tháo khung, xương can vững, gân gót hết căng, các khớp mềm mại, đi lại như bình thường, có thể tham gia tập thể dục mức độ vừa phải, tập yoga, bơi lội. Khuyến khích đi bộ ngày 4 – 5km.

Từ tháng thứ 12 trở đi: Khi chụp phim, được bác sĩ xác nhận can xương vững, khỏe, thì có thể thực hiện các hoạt động mạnh như gym, chạy nhảy, leo trèo.

Từ 24 tháng: Khi mọi hoạt động thể thao trở lại bình thường, chụp phim can xương chắc khỏe, thì nhập viện làm tiểu phẫu tháo bỏ đinh nội tủy bên trong (có thể sau 3 – 5 năm cũng được).

Ảnh tập phục hồi chức năng trong thời gian điều trị ngoại trú

  • Tập đứng tì nén một phần trọng lượng trong khung
  • Tập đi trong khung

Một số yếu tố ảnh hưởng tới quá trình liền xương và hồi phục chức năng

Để quá trình liền xương diễn biến thuận lợi và nhanh hồi phục thì quá trình kéo dài chân cần chú ý các điểm sau:

4.1. Những yếu tố thuộc về kỹ thuật và tập luyện

4.1.1. Tốc độ và nhịp điệu căng dãn

Tốc độ căng dãn tối ưu cho quá trình liền xương là 1mm/ngày, chia đều 3 lần/ngày. Tốc độ căng dãn phù hợp sẽ bảo tồn sự cấp máu cho các mô sinh xương. Tốc độ này cần được điều chỉnh thích hợp dựa trên khám lâm sàng và hình ảnh chụp X-quang định kỳ. Nếu thấy quá trình tạo xương kém thì sẽ giảm tốc độ căng dãn, thậm chí tạm ngưng căng dãn để giúp cải thiện quá trình tạo xương. Có thể tạm dừng kéo từ 3-10 ngày, phụ thuộc vào: tuổi, giới, vị trí cắt xương, chất lượng xương, tình trạng phần mềm,…Thời gian chờ đợi dài khi nghi ngờ quá trình tạo xương diễn biến kém. Quá trình căng dãn thần kinh và mạch máu bị căng dãn và cũng phát triển thích nghi với tốc độ căng dãn tối đa là 1 mm/ngày, tuy vậy trong quá trình kéo có thể xuất hiện tình trạng tê, hoặc đau vùng cổ chân, bàn chân, nếu gặp triệu chứng này, có thể giảm tốc độ kéo xuống còn 2 lần/ ngày. Khi giảm tôc độ dãn thì triệu chứng này dần sẽ mất đi và sẽ dần ổn định sau khi ngừng căng dãn.

4.1.2. Tập vận động các khớp và tì nén sớm

Tập vận động các khớp và tì nén sớm có tác dụng chống teo cơ, cứng khớp đồng thời tăng cường máu đến nuôi dưỡng ổ can xương. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, được tì nén có can xương tốt hơn, tăng thể tích can xương và có nhiều collagen I và II, BMP 2/4 và osteocalcin hơn. Các tác giả cho rằng, tì nén sớm kích thích quá trình tạo xương trong kéo dài chi.

Tập phục hòi chức năng còn giúp cho gân cơ, mạch máu, thần kinh được căng dãn dần theo tốc độ dãn của xương, tránh biến chứng co gân, tê bì, đau trong quá trình căng dãn, chức năng của chân nhanh hồi phục sau khi tháo khung

4.2.Thuốc và thực phẩm nên dùng trong quá trình kéo chân

Lưu ý trong ăn uống cần đủ dinh dưỡng, bữa ăn đa dạng, tránh kiêng cữ đặc biệt là các loại thịt cá, cần phải ăn đầy đủ để đảm bảo đủ viatmin, khoáng chât, protit: thịt lợn, gà, bò, cá, hải sản… Tránh ăn và uống nước rau muống gây sẹo lồi.

4.2.1. Thực phẩm giàu canxi

  • Các loại hạt như: vừng, đậu nành, đậu phụ, hạt hạnh nhân
  • Phô mai, sữa chua, sữa chua
  • Cá biển
  • Bột mỳ, bột ngô
  • Rau dền, rau chân vịt.

4.2.2.Thực phẩm chức năng

  • Có thể bổ sung thêm Viatmin tổng hợp (one a day), hoặc Vitamin 3B để tăng cường tái tạo thần kinh (ngày 1 viên).
  • Uống Canxi – D3, ngày 1 viên.

Hỏi đáp tư vấn

TRỰC TIẾP

VỚI DR. ĐOÀN

Câu chuyện thành công