Bệnh lý chân vòng kiềng không chỉ ảnh hưởng đến dáng đi mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Đặc biệt hậu quả là đến khi cao tuổi, chân vòng kiềng gây ra những cơn đau nghiêm trọng do thoái hóa khớp, nhiều trường hợp phải phẫu thuật thay khớp gối.
Chân vòng kiềng là trục đứng của chân không thẳng, trọng lượng cơ thể dồn lệch tâm nhiều vào bờ trong khớp gối và khớp cổ chân. Đây là bệnh lý phổ biến do nhiều nguyên nhân.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh lý chân vòng kiềng nếu không được điều trị sớm, theo thời gian do trọng lượng cơ thể dồn lệch vào 1 bên của khớp gối và khớp cổ chân, dần sụn khớp sẽ bị thoái hóa, biến dạng ngày càng nặng thêm, gây đau khớp gối và khớp cổ chân. Nhiều trường hợp sau 55 tuổi, nhất là những người thừa cân thì càng bị đau nhiều, có trường hợp không thể đi lại được, phải mổ thay khớp gối.
Trên thực tế, chúng tôi đã gặp những người dù còn trẻ, mới 35-40 tuổi bị chân vòng kiềng, đã xuất hiện những cơn đau gối khi đi lại, hoặc khi đứng lên ngồi xuống, nhiều người đã phải uống thuốc giảm đau, thậm chí tiêm thuốc để ngăn chặn cơn đau. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ mang lại hiệu quả giảm đau tạm thời, hết thuốc lại đau và tình trạng cong vẹo gối vẫn tiếp tục phát triển ngày càng nghiêm trọng, biến dạng khớp gối ngày càng tăng lên.
Nữ bệnh nhân bị vòng kiềng nặng gây đau khớp, không thể đi lại bình thường, phải thường xuyên dùng nạng.
Để điều trị dứt điểm chân vòng kiềng với người trưởng thành, bác sĩ Đoàn cho biết, chỉ có một phương pháp duy nhất là phẫu thuật. “Do ở người trưởng thành, các sụn, hệ xương khớp đã phát triển ổn định, các phương pháp điều trị nội khoa như vật lý trị liệu hay nẹp chỉnh hình không đem lại kết quả. Tuy nhiên cần lưu ý, với những người trên 60 tuổi, xương bắt đầu thưa, loãng, sụn khớp đã thoái hóa rồi, cần hết sức cân nhắc phương pháp phẫu thuật cắt xương chỉnh trục, khi đó nếu đau nhiều, nên lựa chọn bằng phẫu thuật thay khớp nhân tạo”.
Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật chỉnh biến dạng chân vòng kiềng, mỗi phương pháp có ưu nhược điểm khác nhau. Trong đó, phương pháp mới nhất là cắt xương chỉnh trục và ghép xương, kết xương bằng nẹp khóa. Ưu điểm là:
Vị trí cắt xương ở chỗ cong nhất, ở ngay dưới mâm chày, không can thiệp vào khớp gối, nên sau mổ cơ bàn chỉnh được gần hết biến dạng (chỉnh được 90 – 95%).
Khi cắt xương chỉnh trục và ghép xương vào chỗ khuyết xương thì làm tăng chiều cao của cơ thể lên từ 1– 2cm.
Kết xương bằng nẹp khóa vững chắc nên không phải bó bột, sau 2 tuần cắt chỉ là tập phục hồi chức năng, sau 3 tuần tập đi được nhẹ nhàng, không phải dùng nạng, sau 4- 6 tuần đã đi lại bình thường.
Đường mổ nhỏ, chỉ khoảng 3– 4cm, lại ở mặt trong gối nên đảm bảo thẩm mỹ.
Phương pháp phẫu thuật chỉnh trục chân vòng kiềng được các bác sĩ chỉ định trong từng trường hợp. Với trẻ nhỏ: chỉ phẫu thuật khi biến dạng nặng, các phương pháp điều trị nội khoa không kết quả. Với người lớn trên 18 tuổi, khi các sụn, hệ xương khớp đã phát triển ổn định, các phương pháp điều trị nội khoa không đem lại kết quả. Với người trên 60 tuổi, xương bắt đầu thưa, loãng, cần hết sức cân nhắc phương pháp phẫu thuật cắt xương chỉnh trục, nên thay thế bằng phẫu thuật thay khớp nhân tạo.
Quy trình phẫu thuật chân vòng kiềng được bác sĩ Đoàn giới thiệu với các bước cơ bản bao gồm:
Trước mổ, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra dáng đứng và đi, tư vấn trực tiếp về kỹ thuật, thời gian, chi phí và thời gian phục hồi… Chụp phim xương cẳng chân, chụp CT đo chiều dài, trục chi dưới, đo góc mở của khớp gối, trao đổi chi tiết về khả năng sau khi phẫu thuật. Làm toàn bộ các xét nghiệm phục vụ cho ca mổ: xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm ổ bụng, chụp tim phổi điện tim… để kiểm tra các chức năng, đảm bảo cho ca mổ đại phẫu được an toàn.
Quá trình mổ sẽ tiến hành giảm đau bằng gây tê tủy sống, có đặt thêm giảm đau ngoài màng cứng để giảm đau liên tục trong 3 ngày sau mổ, do vậy trong suốt quá trình mổ và sau đó gần như không đau. Thời gian phẫu thuật trung bình khoảng 2 giờ cho cả 2 chân.
Sau mổ, bệnh nhân sẽ nằm điều trị nội trú 3- 5 ngày. Bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, chống phù nề, chống tắc tĩnh mạch… theo từng trường hợp.
Ra viện, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục điều trị ngoại trú, dùng theo theo chỉ định và tập phục hồi chức năng.
Do thoái hóa biến dạng nặng nên bệnh nhân phải phẫu thuật thay 2 khớp gối (hình ảnh sau mổ thay 2 khớp gối)
Hai tháng sau phẫu thuật, người bệnh cần đến kiểm tra lại, Bác sĩ sẽ chụp phim đánh giá mức độ liền xương và kiểm tra xem sẹo có bị lồi hay không, nếu có dấu hiệu sẹo lồi, bác sĩ sẽ tiêm thuốc chống sẹo lồi, nếu ở xa có thể chụp phim gửi bác sĩ xem đánh giá.
Bác sĩ Lê Văn Đoàn đã có hơn 30 năm kinh nghiệm với chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ. Ưu thế của bác sĩ là phẫu thuật kéo dài chân với ca phẫu thuật đầu tiên từ năm 1991. Ngoài phẫu thuật kéo dài chân chủ yếu phục vụ các bệnh nhân bị ngắn chân do di chứng bại liệt, mất đoạn xương do chấn thương, sau cắt u, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Đoàn còn phẫu thuật kéo dài chân tăng chiều cao cho bệnh nhân có nhu cầu. Ngoài kéo dài chân, ông còn làm nhiều phẫu thuật liên quan đến chỉnh hình trong đó có chữa chân vòng kiềng.
Bác sĩ Lê Văn Đoàn với hơn 30 năm kinh nghiệm với chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình và Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ
Qua thời gian nghiên cứu, thực hành và cập nhật các kinh nghiệm phẫu thuật trên thế giới, bác sĩ Đoàn liên tục cải tiến dụng cụ và kỹ thuật phẫu thuật phù hợp với điều kiện kinh tế và nhân trắc học của người Việt Nam.